Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến bao bì
Bao bì là một yếu tố quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của hầu hết người tiêu dùng. Bao bì giúp hỗ trợ hành trình quyết định mua hàng trong các cửa hàng bán lẻ, tạo ra hệ thống phân phối hiệu quả về chi phí cho các chủ sở hữu thương hiệu, giảm thiểu sự hỏng hóc của sản phẩm và lãng phí thực phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu của người tiêu dùng. Tầm quan trọng của bao bì và đóng gói đã trở nên rõ nét hơn trong những năm gần đây, với một lượng lớn người chia sẻ khoảnh khắc 'mở quà' và 'mở hộp' trên các phương tiện truyền thông xã hội. Xu hướng gia tăng này cho thấy, bao bì thương hiệu có thể là một công cụ tiếp thị mạnh mẽ.
Theo Khảo sát do Vietnam Report thực hiện tháng 9/2022, người tiêu dùng quan tâm nhiều đến chức năng kỹ thuật của bao bì khi mua sắm và đặc biệt chú ý đến các thông tin về thành phần, hạn sử dụng và ngày sản xuất được in trên bao bì của sản phẩm (4,67/5). 100% người tiêu dùng khi mua hàng hóa đều quan tâm đầu tiên đến thành phần, ngày sản xuất và hạn sử dụng in trên bao bì để chắc chắn hàng hóa đó có bảng thành phần tốt và sản phẩm vẫn còn trong hạn sử dụng. Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường là một trong các yếu tố được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Một số doanh nghiệp đã bị người tiêu dùng “tẩy chay” vì sử dụng bao bì không thân thiện với môi trường. Vậy nên tiêu chí đánh giá bao bì phân hủy nhanh, không gây hại cho môi trường là một trong những yếu tố được người tiêu dùng dành sự quan tâm (4,4/5).
Ngoài chức năng kỹ thuật, bao bì còn có chức năng tiếp thị sản phẩm cho các doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report, bao bì được in rõ nhãn mác (4,36) là yếu tố được người tiêu dùng quan tâm nhất đối với chức năng tiếp thị. Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức được rằng, họ cần phải gây ấn tượng với khách hàng không chỉ bằng một sản phẩm tốt, mà còn cả bao bì tốt hơn nữa. Chính vì thế, ngành công nghiệp phụ trợ này đang có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Mặc dù xã hội, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng hiểu rõ, đánh giá đúng hơn vai trò của bao bì trong nền kinh tế hàng hóa, nhưng sự phát triển của ngành công nghiệp bao bì tại Việt Nam còn khá nhiều hạn chế. Doanh nghiệp bao bì Việt - phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ - đang bị lấn lướt trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài mạnh về vốn, công nghệ, năng lực quản trị và cả mối quan hệ với các đối tác lớn. Khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra những khó khăn hàng đầu mà doanh nghiệp bao bì đang đối mặt.
Gần 86% số doanh nghiệp cho rằng, suy thoái kinh tế toàn cầu là thách thức hàng đầu, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá lớn. Châu Âu và Mỹ - hai thị trường xuất khẩu lớn của nước ta - đang có nguy cơ rơi vào suy thoái, sẽ cắt giảm nhập khẩu hàng hóa. Thêm vào đó, đặc thù ngành bao bì là phải nhập khẩu 80-90% nguyên liệu đầu vào phụ thuộc giá dầu, khí thiên nhiên, than đá trên thế giới.
Vậy nên khi có sự thay đổi của những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng đến giá nguyên vật liệu nhựa, gây ra rủi ro đối với doanh nghiệp bao bì khi chưa thể điều chỉnh giá bán ra tăng tưởng ứng. Do đó, lợi nhuận có thể tăng trưởng thấp hơn so với doanh thu vào năm 2022. Theo khảo sát của Vietnam Report, 100% doanh nghiệp đều chịu áp lực tăng giá các yếu tố đầu vào. Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng, áp lực này còn kéo dài tới cuối năm 2023 (43%).
Bên cạnh những vấn đề do tác động kéo dài từ đại dịch như: logistics, phân phối, sức mua giảm, làn sóng lây nhiễm Covid-19… vẫn còn những vấn đề cố hữu từ trước đó mà ngành vẫn chưa giải quyết được như đã đề cập ở trên. Nếu doanh nghiệp bao bì Việt không nỗ lực cải thiện chính mình, rất có thể họ sẽ mất đi không chỉ thị phần trong nước, mà giá trị từ thị trường xuất khẩu cũng sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.
Triển vọng ngành bao bì trong thời kỳ bình thường mới
Đánh giá triển vọng ngành trong những tháng cuối năm 2022, phần lớn doanh nghiệp tỏ ra lạc quan hơn rất nhiều. 57% số doanh nghiệp cho rằng, nửa cuối năm tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn. Điều này hoàn toàn có cơ sở, khi có đến 85% số doanh nghiệp có niềm tin vào sự phục hồi và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam.
Sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế vĩ mô, nhu cầu tiêu dùng xã hội cũng như các ngành sản xuất là các điều kiện tốt để công nghiệp bao bì phục hồi phát triển. Khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2022 cho thấy, gần 60% số doanh nghiệp trong ngành đã đạt doanh thu trên 80% mức trước đại dịch, trong đó có gần 30% doanh nghiệp đã vượt mức trước đại dịch.
Một số nhân tố bên ngoài khác tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành bao bì gồm: (1) Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do; (2) Sự phát triển của thương mại điện tử; (3) Nhu cầu trong nước ngày càng tăng. Tăng trưởng bình quân của ngành bao bì được dự báo trên 13%/năm, trong đó bao bì đóng gói cho ngành thực phẩm luôn đạt mức tăng trưởng bình quân 15-20%; riêng bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%. Thị trường bao bì giấy Việt Nam dự kiến sẽ đạt trên 3,1 tỷ USD vào năm vào năm 2027 với tốc độ CAGR là 7,5% trong giai đoạn 2021-2027.
Xu hướng phát triển ngành bao bì
Theo đánh giá của các chuyên gia, tính bền vững và chuyển đổi số (đặc biệt là thương mại điện tử) là 2 xu hướng được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội đáng kể bên cạnh những thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành, từ đó định hình thị trường ngành bao bì trong thời gian tiếp theo.
Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 3 động lực thúc đẩy doanh nghiệp bao bì thực hiện mục tiêu phát triển bền vững bao gồm: (1) Việc triển khai chiến lược phát triển bền vững có thể nâng cao giá trị của doanh nghiệp; (2) Doanh nghiệp có thể xác định các rủi ro và cơ hội bằng cách thực hiện chiến lược phát triển bền vững; (3) Khách hàng coi trọng các hành động phát triển bền vững có thể đạt được.
Mua sắm trực tuyến gia tăng đang tạo ra và mở rộng các hướng đi mới về nhu cầu đóng gói, đặc biệt là đối với bao bì bảo vệ và vận chuyển bền vững. Thương mại điện tử sẽ thay đổi các yêu cầu về cơ bản: bao bì sẽ được thiết kế riêng cho phù hợp với từng sản phẩm, để đạt hiệu quả trong chuỗi cung ứng và để mở hộp tại nhà thay vì xuất hiện trên các kệ bán lẻ.
Dưới tác động của 2 xu hướng lớn trên, ngành công nghiệp bao bì đang áp dụng các giải pháp thông minh và bền vững để làm cho bao bì sản phẩm trở nên thân thiện hơn với người tiêu dùng, thương hiệu và môi trường, bao gồm: Internet bao bì, bao bì phân hủy sinh học, bao bì in kỹ thuật số, bao bì tự động hóa đóng gói, bao bì hoạt hóa, bao bì theo yêu cầu, bao bì có thể tái chế, bao bì ăn được, bao bì in 3D, bao bì công nghệ nano.
Giải pháp chính của ngành công nghiệp bao bì cho phép đóng gói thông minh là internet bao bì, bao bì tích cực và công nghệ nano. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 buộc mọi người trong nhà, việc đóng gói từ mua sắm trực tuyến tạo ra thách thức nghiêm trọng liên quan đến rác thải từ bao bì. Do đó, doanh nghiệp trong ngành đang đẩy nhanh những đổi mới về bao bì có thể phân hủy sinh học, có thể tái chế và ăn được. Đồng thời, việc triển khai in 3D và đóng gói bằng robot giúp đơn giản hóa quy trình đóng gói và giảm chi phí cho các công ty tiêu dùng.
Những xu hướng trên sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp bao bì, tuy nhiên, cũng sẽ mang lại cơ hội phát triển thực sự cho doanh nghiệp nào theo đuổi các hành động và trọng tâm đúng đắn. Do độ mở kinh tế cao, hoạt động sản xuất và kinh doanh bao bì trong nước vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế thế giới – hiện vẫn còn khá nhiều bất ổn. Ưu tiên hàng đầu mà các doanh nghiệp trong ngành hướng đến là củng cố nội lực, tăng cường khả năng chống chịu và sức phục hồi thông qua tập trung mạnh mẽ vào các nguồn lực và tái phân bổ nguồn lực theo hướng ưu tiên lĩnh vực tăng trưởng chính. Nguồn lực ở đây bao gồm: con người, vốn và công nghệ. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra đây là ba mũi nhọn mà doanh nghiệp bao bì hướng tới trong cả ngắn hạn và dài hạn.
3 giải pháp Chính phủ nên hỗ trợ ngành bao bì
Kết quả khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia ngành bao bì của Vietnam Report chỉ ra những giải pháp quan trọng mà Chính phủ có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp bao gồm: (i) Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, minh bạch hóa thông tin, tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp; (ii) Giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất; (iii) Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm trong ngành, đặc biệt về thu gom và tái chế ngành bao bì.
Bao bì là ngành có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp. Số lượng các doanh nghiệp mới gia nhập ngành nhiều, tuy nhiên sự khác biệt về sản phẩm không lớn, vòng đời sản phẩm ngắn. Vậy nên, Chính phủ cần có các biện pháp can thiệp để doanh nghiệp có môi trường cạnh tranh công bằng, tránh những hoạt động làm tăng thêm mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp.
Suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát đang là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Để giúp doanh nghiệp đối phó với thách thức từ bên ngoài này, Chính phủ có thể đưa ra các chính sách giảm thuế nhập khẩu tạm thời, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia, ngay cả Việt Nam cũng vậy. Vốn dĩ ngành sản xuất bao bì giấy có đặc thù sử dụng nhiều năng lượng, nguyên nhiên liệu và hóa chất có khả năng phát thải độc hại, nên đây cũng là một trong những ngành sản xuất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Vậy nên nhiều tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường đã được đưa ra như Chứng nhận BRC, Chứng nhận FSC. Để có thể triệt để bảo vệ môi trường, Chính phủ nên dựa trên những chứng nhận này và xây dựng một bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm bao bì.
Bao bì là ngành công nghiệp phụ trợ, lấy sản phẩm mà bao bì chứa đựng làm điểm xuất phát và mục tiêu phục vụ. Thông qua hai chức năng kỹ thuật và tiếp thị, bao bì có thể làm cho ngay cả những sản phẩm thụ động cũng trở thành những sản phẩm thông minh và có tính kết nối, cho phép các thương hiệu tạo nên một "sợi dây kỹ thuật số" cho các tương tác đa hướng trong suốt vòng đời của sản phẩm. Cơ hội sẽ dành cho những quốc gia, doanh nghiệp, nhãn hàng nào có sự nhìn nhận đầu tư đúng đắn và nghiêm túc cho bao bì trong giai đoạn tới./.
NGUỒN: Hiếu Phương (Tạp chí Kinh tế và Dự báo)