Thị trường Bao bì
27/5/2022

Những xu hướng trong quá khứ cho chúng ta biết gì về tương lai của ngành bao bì?

Đã có ba bước phát triển của ngành công nghiệp bao bì trong 20 năm qua, ngay cả trong hiện tại – và tất cả đều quan trọng để hiểu được tương lai của Ngành. Mỗi thời kỳ được xác định dựa vào sự thay đổi lớn trong kỳ vọng của người tiêu dùng đối với bao bì, từ đó dẫn đến những cải tiến về bao bì và cuối cùng là sự thay đổi cơ cấu trong các tập đoàn và chuỗi giá trị.

Những xu hướng trong quá khứ cho chúng ta biết gì về tương lai của ngành bao bì?

Dựa trên những xu hướng đã diễn ra trong quá khứ, có thể nhận định rằng tính bền vững và số hóa chính là những xu hướng lớn nhất thúc đẩy ngành công nghiệp bao bì trong tương lai. Prima.vn xin giới thiệu với các bạn những dự đoán về cách mà những xu hướng lớn của ngành bao bì hiện nay sẽ mở ra từ những gì đã diễn ra trong quá khứ, cũng như các nhà lãnh đạo trong ngành có thể thích ứng như thế nào trong tương lai.

2000-2009: Thị trường mới và vật liệu mới

Ở thời kỳ đầu tiên, được gọi là “vật liệu tạo ra sự thay đổi”, trong khoảng từ năm 2000 đến năm 2009. Trong thời kỳ này, nhu cầu và nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, tác động đến vật liệu và định dạng bao bì, từ đó dẫn đến các xu hướng như bao gói cho đồ ăn nhanh và bao bì tiện lợi.

Trong thời kỳ này, tiêu điểm tập trung vào việc giảm chi phí và đóng gói nhỏ hơn, tương ứng với trọng lượng nhẹ hơn hoặc sử dụng ít vật liệu hơn. Kỷ nguyên này đã xác định sự thay đổi từ các loại bao bì cứng như thủy tinh và kim loại sang các loại bao bì nhựa dẻo và cứng như PET, nhằm đáp ứng nhu cầu về sự tiện lợi của người tiêu dùng và giảm chi phí.

Thập kỷ này các công ty đang tái cấu trúc – ví dụ như thay đổi cơ cấu kinh doanh ở thượng tầng, chẳng hạn, các công ty sản xuất giấy bán bớt các mảng kinh doanh như quyền sở hữu rừng. Các công ty cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối thập kỷ, tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ bao bì. Mặc dù một số phân khúc có khả năng phục hồi tốt là các mặt hàng thiết yếu như bao bì thực phẩm và đồ uống ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, trong khi bao bì hàng hóa công nghiệp và xa xỉ phẩm đòi hỏi các công ty phải xem xét lại chi phí nguyên vật liệu và tính đến những thay đổi trong nhu cầu.

Ngoài ra, thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 chứng kiến sự phát triển số lượng lớn người tiêu dùng, đặc biệt là ở châu Á, điều này thúc đẩy những nhu cầu và các hình thức bán lẻ mới. Ở quy mô doanh nghiệp, điều này rõ ràng đã dẫn đến việc thành lập các tập đoàn đa quốc gia tại các thị trường có mức tăng trưởng cao như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ Latinh, cả về mặt tổ chức và thông qua mua lại hoặc liên doanh với các công ty lớn đã có ở Châu Âu và Bắc Mỹ.

2010-2020: Sự thay đổi người tiêu dùng và cam kết của các doanh nghiệp

Đây là kỷ nguyên được gọi là ‘Thay đổi diện mạo của người tiêu dùng’, kéo dài từ năm 2010 đến năm 2020. Đặc trưng của kỷ nguyên là sự xuất hiện của hàng tỷ người tiêu dùng mới, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất về bao bì, vượt qua cả Bắc Mỹ. Mặc dù khởi đầu của kỷ nguyên này bắt đầu với cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng hầu hết các Công ty Bao bì đa quốc gia đều đang ở vị trí vững chắc và có sự tăng trưởng ổn định, tại các thị trường mới cùng với các dạng bao bì mới.

Điển hình của khoảng thời gian này là sự hợp nhất, toàn cầu hóa và chuyên môn hóa trong cấu trúc của các doanh nghiệp và chuỗi giá trị. Tâm điểm kinh tế của ngành Bao bì ở thập kỷ này là sự thống trị của các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ. Dù vậy, các công ty châu Âu, Nhật Bản và Bắc Mỹ vẫn là những công ty làm chủ thị trường trên quy mô toàn cầu.

Một xu hướng khác nổi bật trong thập kỷ này, đó là cung cấp việc đóng gói tiện lợi và bao bì có nhiều chức năng, theo những định dạng và ứng dụng mới, ví dụ như túi đựng thức ăn trẻ em. Trong khi đó, sự tăng trưởng của SKUs (SKU- stock keeping units) đã đẩy mạnh sự phát triển bao bì nói chung.

Tính bền vững nổi lên như một vấn đề quan trọng trong giai đoạn này, các cam kết bền mạnh mẽ được thực hiện trên toàn bộ chuỗi giá trị, đặc biệt là cam kết tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế. Thời kỳ này cũng chứng kiến sự ra đời của các chính sách lớn nhằm giải quyết những thách thức như nhựa sử dụng một lần, bao gồm Chỉ thị về bao bì sử dụng một lần của Liên minh Châu Âu (SUPD- European Union’s Single-Use Packaging Directive). Tuy nhiên, trong khi quá trình đổi mới bền vững đang được tiến hành, việc thương mại hóa các công nghệ này còn hạn chế, mà nguyên nhân một phần là do thiếu các lựa chọn thay thế hiệu quả về chi phí cho nhựa.

Từ năm 2020 trở đi: Sự cấp thiết của tính bền vững

Đáng chú ý, kết thúc của kỷ nguyên thứ hai lại rơi vào thời điểm bùng nổ của đại dịch COVID-19, dẫn đến những thay đổi lớn và có lẽ vĩnh viễn trong ngành Bao bì. Với việc người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến trong thời gian bị phong tỏa và nhận thức về việc phát tán bao bì ra môi trường ngày càng tăng. Kỷ nguyên thứ ba đã xuất hiện: ‘Tính bền vững và chuyển đổi kỹ thuật số’, bắt đầu vào năm 2020 và đang diễn ra.

Kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên thứ ba, mua sắm thương mại điện tử gần như là một xu hướng toàn cầu, đặc biệt là trong các phân khúc bán lẻ. Kỷ nguyên này đã chứng kiến động lực thích ứng với thương mại điện tử, cụ thể là các giải pháp đóng gói đa dạng, đáp ứng cho nhiều hình thức vận chuyển. Nổi bật của xu hướng này, các tập đoàn đã tập trung vào tăng tốc các giải pháp kỹ thuật số và giảm trung gian trong chuổi phân phối của họ.

HIỆP HỘI BAO BÌ VIỆT NAM
Thương mại điện tử trở thành xu hướng toàn cầu

Hiện nay, ngành công nghiệp Bao bì đang tập trung mạnh mẽ vào việc thương mại hóa các giải pháp đóng gói bền vững. Điều này, bao gồm việc mở rộng quy mô của các mô hình và công nghệ mới, điển hình như công nghệ tái sử dụng chai và tái nạp lại đã bắt đầu thành công. Một số nhà bán lẻ lớn, bao gồm Tesco với Loop và liên minh giữa Waitrose, M&S, Morrisons và Ocado, đã bắt đầu giới thiệu trực tiếp các giải pháp này tới người tiêu dùng. Các thương hiệu toàn cầu như PepsiCo và Công ty Coca-Cola đều đã cam kết đầu tư vào việc phát triển các kế hoạch tái sử dụng và nạp lại, một phần do áp lực của cổ đông.

Tương lai của bao bì – cơ hội hay trở ngại?

Hiện tại và tương lai, tính bền vững và chuyển đổi kỹ thuật số là hai xu hướng lớn đại diện cho những thách thức mang tính đột phá nhất đối với ngành Bao bì, đó cũng là hai lĩnh vực có thể gặt hái nhiều thành quả nhất.

Về tính bền vững, người tiêu dùng đang đòi hỏi nhiều hơn từ các tập đoàn, với phản ứng dữ dội chống lại hoạt động “Greenwashing“ khiến ngành bao bì ngày càng bị giám sát chặt chẽ. Nhu cầu về bao bì bền vững đã tăng lên đáng kể và người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho việc này, cũng như nhận thức rõ hơn về những gì được coi là bền vững. Cho dù có một số lập luận cho rằng nhu cầu của người tiêu dùng đã dẫn đến quá nhiều sự tập trung vào các vấn đề không liên quan đến bao bì, chẳng hạn như vai trò của bao bì nhựa trong việc giảm lãng phí thực phẩm. Lập luận này được khơi dậy khi Pháp thông báo rằng họ sẽ áp dụng lệnh cấm đối với bao bì nhựa cho trái cây và rau quả (với một số trường hợp miễn trừ) từ tháng 1 năm 2022.

Greenwashing được định nghĩa là khi một tổ chức hoặc thương hiệu dành nhiều thời gian và tiền bạc để tự tiếp thị cho bản thân là thân thiện với môi trường, hơn là họ thực sự thân thiện với môi trường và giảm thiểu tác động đến môi trường..

Bên cạnh đó, các cách tiếp cận ở từng khu vực và trên quy mô toàn cầu đối với các vấn đề như khủng hoảng khí hậu và ô nhiễm nhựa đang gây áp lực lên ngành công nghiệp bao bì, trong việc vừa duy trì sản xuất và giải quyết vấn đề môi trường. Một bước ngoặt vào tháng 3 năm 2022, Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA- United Nations Environment Assembly) đã đồng ý xây dựng một hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa, có thể sẽ tác động lớn đến ngành công nghiệp Bao bì. Vì thế, trong tương lai có khả năng việc phân bổ vốn sẽ ngày càng dựa trên tính bền vững và mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR- extended producer responsibility), với trọng tâm là tính tuần hoàn, giảm thải ra môi trường và tính đến tổng lượng phát thải khí nhà kính (carbon footprint).

Note: Carbon footprint là phép đo lượng carbon dioxide được tạo ra từ các hoạt động của một người, công ty, tổ chức (https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/carbon-footprint)Carbon footprint cũng được mô tả là tổng lượng phát thải khí nhà kính đến từ quá trình sản xuất, sử dụng và cuối vòng đời của một sản phẩm hoặc dịch vụ. Nó bao gồm các chất carbon dioxide (CO2) là loại khí mà con người thải ra nhiều nhất, và những loại chất khác, bao gồm khí metan (CH4), nitơ oxit (NO2) và flo (F). Những loại khí nhà kính có ảnh hưởng tới sức khỏe con người và giữ nhiệt trong khí quyển, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Các công ty nên xem xét tính bền vững một cách tổng thể, từ hoạt động đến chuỗi cung ứng, việc chờ đợi một công nghệ chuyển đổi bền vững là những thách thức kèm theo rủi ro, khiến một số công ty có thể trở nên lỗi thời.

Về chuyển đổi kỹ thuật số, những thách thức như trong đại dịch COVID-19 đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng và nhu cầu đóng gói đã chuyển sang các dòng thương mại điện tử. Từ đó, chúng ta thấy rằng việc thiết kế nên có những ưu tiên đặc biệt cho việc chuyển sang đóng gói tại nhà, thay vì cho các kênh bán lẻ. Khi sự bùng nổ thương mại điện tử tiếp tục tăng, có thể loại bỏ nhu cầu về bao bì thứ cấp.

Cần lưu ý rằng, trong kỷ nguyên này ngành công nghiệp bao bì đang trong giai đoạn đầu của quá trình số hóa, nên có nhiều cơ hội để tăng cường hiệu quả và an ninh của chuỗi cung ứng, cũng như hỗ trợ cho sự phát triển bền vững. Khả năng số hóa chuỗi cung ứng có thể sẽ là trọng tâm chính đối với ngành Bao bì trong tương lai, cho phép các công ty thích ứng với nhu cầu thương mại điện tử.

HIỆP HỘI BAO BÌ VIỆT NAM
Số hóa chuỗi cung ứng là một trong những trọng tâm trong hiện tai và tương lai

Tư duy của người lãnh đạo

Để chuẩn bị cho tương lai, các lãnh đạo của ngành Bao bì sẽ phải đối mặt với một số thách thức mới. Các CEO nên “đầu tư vào những nơi quan trọng đối với người tiêu dùng và cơ quan quản lý” khi đề cập đến tính bền vững, đồng thời “chấp nhận việc số hóa (bao gồm việc sử dụng tự động hóa) trong toàn bộ quy trình từ đầu vào, sản xuất và phân phối đến người tiêu dùng cuối. Trong bối cảnh kinh tế hậu COVID-19 một số vấn đề khó khăn có thể gặp phải, do vậy việc định giá đúng, có chiến lược quản lý chuỗi cung ứng, thu hút và giữ chân nhân tài là chìa khóa – và đã được thử và kiểm tra – để đối phó với những thách thức mới.

Như một quy tắc, sự thay đổi thường xuất hiện một cách chậm chạp và sau đó tăng tốc đột ngột. Giám đốc điều hành của các công ty Bao bì phải nhận thức được rằng sự biến động mạnh của thị trường là một điều bình thường, trong thời đại thay đổi mang tính bước ngoặt này.

Các tập đoàn không giải quyết được các vấn đề thực tế sẽ phải đối mặt với những khó khăn đáng kể và có nguy cơ ngừng kinh doanh hoặc bị mua lại. Các công ty nhanh chóng chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu bền vững sẽ thành công và tạo ra giá trị ở cấp độ cao hơn.

Nguồn: Prima.vn

Xem tất cả Bài viết liên quan