Thị trường Bao bì
29/6/2021

Bao bì bền vững & thân thiện môi trường - Một vài cách tiếp cận

Chủ đề “Bao bì bền vững & thân thiện môi trường” được thế giới thảo luận ngày càng nhiều. Đến thời điểm hiện nay hành động về chủ đề này cũng rất sôi nổi. Các công ty bao bì, các phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đang có nhiều cách tiếp cận đa chiều, đa dạng.

Bao bì bền vững & thân thiện môi trường - Một vài cách tiếp cận

Chuyện đầu tiên: Thay thế nguyên vật liệu

Chuyện đầu tiên, ai cũng nghĩ đến là tìm cách thay thế các nguyên vật liệu có hại cho môi trường. Người ta đang làm nhiều, ví dụ tạo màng từ khoai tây thay thế cho màng nhựa. Trung tâm Công nghệ Aitiip (Tây Ban Nha) đã cho ra đời bình & chai làm bằng bột cam quýt thu được sau quá trình chế biến nước cam quýt .

HIỆP HỘI BAO BÌ VIỆT NAM
Nguồn: Trung tâm Công nghệ Aitiip (Tây Ban Nha)

Một ví dụ khác: Vỉ giấy, thay thế nhựa trong khi khối lượng bao bì được giảm… Những việc loại này rất khó, và không thể có kết quả trong thời gian ngắn.

HIỆP HỘI BAO BÌ VIỆT NAM
Nguồn: STI Group & Vlastuin CDI (Germany)

Chuyện ít khó hơn, làm cho bao bì nhẹ hơn, mỏng hơn, mục đích duy nhất là vừa đủ dùng, không cần nhiều hơn để đẹp, không cần lớn hơn để dễ nhìn. Ví dụ, tại Đức người ta dùng chai mỏng, có thể cuộn lại để giảm thiểu chất thải sản phẩm.

HIỆP HỘI BAO BÌ VIỆT NAM
Nguồn: Syntegon Packaging Solutions B.V. & SABIC (Netherlands)

Chuyện dễ hơn chút nữa là thay thế một phần các nguyên vật liệu có hại cho môi trường. Ví dụ ly đựng café dùng một lần, nó có cấu trúc bao gồm ly giấy được phủ một lớp nhựa, điều này gây khó khăn cho quá trình tái chế. HSMG công ty bao bì châu Âu đã thay thế việc phủ một lớp nhựa bởi một vật liệu mới, điều đáng nói là lớp phủ trên cùng và lớp kết dính là sự pha trộn mới lạ của các chất phụ gia có nguồn gốc thực vật và mủ cao su được chọn lọc.

Nói thêm một chút về ly café dụng một lần ở nước Anh, ở Anh mỗi năm có khoản 2,8 tỷ ly café dùng một lần, tỉ lệ tái chế là 1/400, số còn lại đi thẳng ra bãi rác. Người ta cũng nhận thấy Chính phủ có nhiều cố gắng, dư luận cũng thúc đẩy mạnh mẽ việc dùng ly có thể sử dụng thường xuyên, sử dụng nhiều lần, có 46% người dân có loại ly này; Tuy vậy chỉ 12% trong số đó có sử dụng khi mua đồ uống nóng và 41% thừa nhận rất hiếm khi hoặc không bao giờ sử dụng nó.

HIỆP HỘI BAO BÌ VIỆT NAM
Nguồn: Frugalpac với ly cafe làm từ giấy bìa tái chế

Chuyện thứ hai: Tái chế

Câu chuyện thứ hai mà nhiều người đang nghĩ, đang ráo riết làm, là tái chế. Tái chế để giảm bớt tai họa cho môi trường. Tái chế cũng được đề cập đến dưới nhiều khía cạnh. Như tái chế như thế nào để khí thải carbon ngày càng giảm, tái chế thế nào dùng nước ít hơn. Ví dụ Frugalpac một công ty của Anh đã cho ra đời “Frugal Cup”. Điều đặc biệt của “Frugal Cup” là được làm từ giấy bìa tái chế, vật liệu này đã có một số lần sử dụng trước khi trở thành Frugal Cup. Theo phân tích vòng đời độc lập của Frugal Cup có lượng khí thải carbon thấp hơn tới 60% so với các loại cốc thông thường và có thể ủ để phân rã với lượng nước thấp hơn tới 74%.

Tuy vậy làm sao để dễ thu gom, để phân loại trong quá trình tái chế là câu chuyện không dễ dàng. Nó mở đầu cho một câu chuyện khác.

DS Smith một công ty tại Anh đã sáng tạo ra một chiếc hộp thu gom ly café dùng một lần. Chiếc hộp này rất đơn giản, được làm từ giấy tái chế, giải quyết cùng lúc 2 yêu cầu thu gom và phân loại.

HIỆP HỘI BAO BÌ VIỆT NAM
Nguồn: DS Smith

Mỗi hộp chứa 700 ly café sau khi sử dụng. Loại hộp này được cung cấp cho 2,7 triệu doanh nghiệp đang hoạt động tại Vương quốc Anh.  Khi đầy, chúng được đưa về nhà máy tái chế một cách dễ dàng, từ đó tạo ra những sản phẩm bao bì giấy mới. Kết quả là việc tái chế cốc cà phê đã tăng từ 1/400 lên 1/25 cốc trong hai năm qua.

Những câu chuyện vừa kể là những kết quả rất khích lệ mà cũng rất “kinh tế”, tất nhiên đồng hành với chúng sẽ là những câu chuyện về công nghệ, về thiết bị, và cũng tất nhiên sẽ là những câu chuyện thú vị.

Hy vọng câu chuyện vừa kể có thể gợi cho các nhà sản xuất Việt Nam nhiều ý tưởng mới.

Sơn Hà

Xem tất cả Bài viết liên quan