1.MOAH, MOSH là gì và chúng ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người?
Dầu khoáng là chất có thể được tìm thấy ở nhiều sản phẩm và được sử dụng với các mục đích khác nhau. Chúng được tổng hợp nhân tạo từ dầu mỏ, than đóa, khí thiên nhiên và sinh khối…và được sử dụng trong nhiều sản phẩm như dầu đốt, dầu bôi trơn, dung môi, mỹ phẩm, dược phẩm…
MOSH-Mineral oil sarturated hydrocarbon là các hydrocacbon bão hòa, có cấu trúc dạng chuỗi hoặc vòng, MOAH-Mineral oil aromatic hydrocarbon là các hydrocarbon thơm trong dầu khoáng. Hai chất trên đều có thể được hấp thụ vào cơ thể tạo ra các ảnh hưởng không tốt.
Trong một đánh giá của Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu EFSA thì việc hấp thu quá nhiều MOAH được dự đoán có thể gây nên ung thư ở người, biến đổi gene, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. MOSH có thể tích lũy nhiều trong gan, lá lách, hạch và các cơ quan khác.
Theo các khảo sát tại Đức và Áo năm 2010, các mẫu thực phẩm đóng gói đã được phát hiện có hàm lượng dầu khoáng thơm cao hơn mức cho phép gồm Bộ mì, Gạo, Bánh mì, Nui khô, Cornflake, Đường, Sô cô la… Nguyên nhân nghi ngờ là do nhiễm trực tiếp từ bao bì cấp 1 hoặc do tiếp xúc trực tiếp với mực in.
2. Quá trình nhiễm MOAH, MOSH vào thực phẩm
Các chất MOAH, MOSH có thể bị nhiễm vào thực phẩm dưới nhiều phương thức khác nhau, trong đó có thể kể đến:
Nhiễm trong quá trình sản xuất
Một số chất phụ gia được phép sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm, do vô tình hay hữu ý, có thể gây nhiễm làm tăng hàm lượng của nhóm MOAH, MOSH. Có thể kể đến là E905, E914 dạng paraffin tráng ngoài để hỗ trợ sự bảo quản của một số loại trái cây như dưa lưới, đu đủ, xoài, bơ, thơm dứa… hoặc được sử dụng như chất chống dính trong ngành công nghiệp nướng bánh mì, bánh ngọt… Chất E907 sử dụng như chất phủ tạo về ngoài sáng đẹp cho trái cây sấy khô…
Ngoài ra trong suốt quá trình sản xuất thực phẩm các chất dầu khoáng có thể nhiễm vào trong giai đoạn nuôi trồng hoặc chế biến, do có tiếp xúc với dầu bôi trơn từ các loại máy móc sử dụng hoặc xăng dầu chạy máy.
Nhiễm do ô nhiễm môi trường
Khí thải và các chất cháy từ khí thải cũng là tác nhân gây tăng hàm lượng MOAH, MOSH trong thực phẩm khi bản thân chúng là một trong số các loại dầu khoáng và bay lơ lửng trong không khí, tiếp xúc với sản phẩm
Nhiễm từ bao bì đóng gói
Tính đến thời điểm này, nguồn lây nhiễm MOAH, MOSH từ bao bì được nhắc đến nhiều nhất là từ các bao bì carton sóng hoặc bao bì giấy với hàm lượng xơ sợi tái chế cao. Nguyên nhân chính là do lượng dầu khoáng có trong dung môi mực in. Giấy có hàm lượng tái chế cao thì khả năng có chứa mực in còn sót lại càng cao.
Bao bì giấy được làm từ 100% xơ sợi tự nhiên được đánh giá là an toàn.
Nhiễm từ chất bảo vệ thực vật
Nguồn dầu paraffin trong chất bảo vệ thực vật cũng là nguồn gây nhiễm MOAH, MOSH.
3. Quy định, tiêu chuẩn nào đối với bao bì
Theo JECFA, Ủy ban khoa học được thành lập bởi tổ chức FAO và WHO, lượng dầu khoáng MOSH cho phép được hấp thu vào cơ thể người không quá 0.01 mg/kg cân nặng. Vượt quá giới hạn này trong một thời gian dài có thể gây ra những biến chứng đối với sức khỏe.
Tại Đức, trong dự luật của Luật dầu khoáng (Mineraloelverordnung) đã đề xuất các tiêu chuẩn:
Đối với giấy, bìa, carton sóng có sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế có chứa mực in sử dụng trong thực phẩm
- ≤ 24 mg MOSH/ 1 kg giấy, bìa, carton sóng
- ≤ 6 mg MOAH/ 1 kg giấy, bìa, carton sóng
Hoặc có thể vượt trên ngưỡng này nhưng đảm bảo được lượng dầu thẩm thấu dưới hạn mức cho phép nhu sau
- ≤ 2 mg MOSH/ 1 kg thực phẩm (đã được hủy bỏ trong bản dự thảo mới nhất vào tháng 03.2017)
- ≤ 0.5 mg MOAH/ 1 kg thực phẩm
Các đơn vị sản xuất bao bì cấp 1 cho thực phẩm không được sử dụng các loại mực in có chứa dầu khoáng dưới vai trò làm dung môi. Chúng có thể nhiễm bẩn trong cuộn vật tư khi mặt in tiếp xúc mặt không in, mực in thẩm thấu qua bao bì do khả năng ngăn cản kém hoặc các hơi nước phát sinh trong quá trình sản xuất sẽ là chất truyền dẫn cho dầu khoáng thâm nhập vào thực phẩm cũng như nguy cơ mực in được in ở mặt trong tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.
Theo Hiệp hội In châu Âu EuPIA (European Printing Inks Association), trung bình mỗi mực in có chứa trên dưới 6000 thành phần, chỉ 15% trong số này được kiểm nghiệm kỹ càng về độc tính, phần còn lại thực sự chưa có các kết luận cụ thể. Do đó EuPIA khuyên nên tránh các tiếp xúc trực tiếp giữa mực in và thực phẩm đến khi có bằng chứng về tính an toàn tuyệt đối.
4. Thiết bị và các trung tâm kiểm nghiệm
Việc đo lường xác định hai chỉ số MOSH, MOAH rất phức tạp và khả năng chính xác thấp. Hiện theo khảo sát, các trung tâm kiểm định tại Việt Nam chưa cung cấp dịch vụ kiểm tra các chỉ số này. Một số đơn vị quốc tế hiện đang thực hiện gồm:
- Intertek Basel
- Eurofins
- TUV India Pvt.Ltd
Theo thông tin tại website, Shimadzu hiện đang cung cấp thiết bị kiểm tra nồng độ MOSH/MOAH trong phòng thí nghiệm (hình phải).
5. Phần kết
Đến thời điểm này tuy chưa có một luật định cụ thể được ban hành quy định về lượng MOSH/ MOAH trong bao bì cũng như cách kiểm soát chúng. Nhưng với xu hướng đang xảy ra tại Đức và sự quan tâm của Ủy ban châu Âu (European commission) thể hiện tháng 01.2017 qua việc khuyến khích thành viên tham gia kiểm soát dự nhiễm bẩn từ dầu khoáng hydrocacbon vào thực phẩm và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (Recommendation EU 2017/84), sự ra đời của các luật liên quan đến MOSH/MOAH được đánh già sẽ sớm được diễn ra. Một số công ty thực phẩm đa quốc gia đã có lộ trình triển khai và đưa ra yêu cầu cụ thể đối với nhà cung cấp nhằm đáp ứng quy định theo dự thảo này. Đây là điều đáng lưu ý cho các doanh nghiệp bao bì, đặc biệt là bao bì carton tại Việt Nam.
Nguồn tham khảo:
- Tài liệu nội bộ TCT Liksin
- Tài liệu Intertek Bỉ, TUV Ấn độ, Eurofins Đức
- Hình từ www.sbs.com.au, Shimadzu
- Thông tin từ website Kurarray
- European Food Safety Authority (EFSA) (2012) EFSA Journal 10, 2704 [4] European Food Safety Authority (EFSA) (2004)EFSA Journal 162, 1–6
- Bài viết về sự nhiễm bẩn của dầu khoáng vào thực phẩm của Dr. Annette Rexroth, Extra