Thị trường Bao bì
30/6/2023

Biến rác nhựa thành “Doanh thu”: Tái chế nhựa ở Việt Nam ra sao?

Hiện nay, lượng nhựa tái chế của Việt Nam chỉ vào khoảng 160.000 tấn. Để đạt được mục tiêu tái chế nhựa 70% vào năm 2025, Việt Nam sẽ cần tái chế khoảng 1,5 triệu tấn nhựa mỗi năm. Điều này đã mở ra một góc nhìn mới dưới góc độ kinh tế của rác thải nhựa, thị trường dù tồn tại nhiều bài toán cần giải nhưng sở hữu tiềm năng lớn để phát triển.

Biến rác nhựa thành “Doanh thu”: Tái chế nhựa ở Việt Nam ra sao?

Thị trường tái chế nhựa tại Việt Nam cần nhiều thêm nỗ lực.

Theo báo cáo của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), lượng rác thải nhựa toàn cầu đã tăng lên một cách nhanh chóng. Số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy lượng rác thải nhựa đến năm 2022 là khoảng 3,27 triệu tấn/năm, trong đó hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Hiện nay, tỉ lệ nhựa được tái chế vẫn còn đang ở mức rất thấp chỉ khoảng 9%. Một báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt.  

Lượng rác thải nhựa tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng

Nhìn từ góc độ kinh tế, Việt Nam dường như chưa khai thác hết tiềm năng lợi nhuận từ rác thải đem lại. Trong khi rác thải có thể đem lại nguồn thu lớn, thì khoảng 85% lượng rác đang được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, tiêu hao một nguồn kinh phí đáng kể trong khâu xử lý rác thải và vô hình chung đã thẳng tay loại đi một loại nguồn lợi nhuận không hề nhỏ.  

Với thực trạng này, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương, 100% các khu du lịch ven biển không sử dụng nhựa dùng một lần. Mục tiêu thách thức này đòi hỏi một bộ kế hoạch toàn diện để tháo gỡ dần những khó khăn dài hạn trong lĩnh vực tái chế nhựa, chẳng hạn như: hoạt động tái chế nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thiếu quy hoạch rõ ràng, chất lượng nguyên liệu thô và không có biện pháp kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ lao động đầy đủ. Khi phân tích các vấn đề này, có thể thấy rằng ngành tái chế ở Việt Nam cần phát triển cả về khâu phân loại tại nguồn và khâu xử lý rác thải. Hơn nữa, suốt nhiều năm, ngành này chỉ mở rộng quy mô chứ chưa có nhiều sự đột phá trong hiệu quả quy trình. Để ngành tái chế Việt Nam có thể phát triển bền vững, cần có sự hợp tác của người tiêu dùng, doanh nghiệp, và chính phủ để đảm bảo rằng rác thải được phân loại đúng cách, và đưa vào các dây chuyền tái chế hiệu quả.

Nhà nước tạo nhiều “đòn bẩy” cho hoạt động tái chế.

Hoạt động tái chế tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn từ phía Chính phủ với rất nhiều những Quy định, Chính sách. Tiêu biểu như:  

  • Nghị định 38/2021/NĐ-CP đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như giảm thuế, tài trợ, hỗ trợ vốn vay, cho các doanh nghiệp và tổ chức thực hiện việc tái chế, chuyển đổi chất thải nhựa thành sản phẩm tái sử dụng.
  • Quyết định số 1748/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về quản lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045

Ngoài ra, Chính phủ đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành tái chế chất thải nhựa, bao gồm thành lập các quỹ đầu tư, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc, công nghệ sử dụng trong quá trình tái chế.

Các đòn bẩy từ Chính phủ là yếu tố quan trọng để tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp trong ngành tái chế. Để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu tối ưu hoá quy trình thu gom và xử lý rác thải nhựa, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển công nghệ và tạo ra giá trị thương mại từ sản phẩm tái chế.

Tái chế nhựa từ góc độ làm kinh tế, đâu là những gợi ý cho doanh nghiệp tại thị trường Việt?

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, tái chế nhựa không chỉ mở ra một nguồn lợi nhuận lớn đóng góp cho kinh tế nói chung, mà còn giúp giảm những tác động lớn đến môi trường, cải thiện chất lượng sống của người dân và mở ra cơ hội việc làm cho xã hội. Vậy đâu là điều các doanh nghiệp cần tập trung để tháo gỡ những điểm nghẽn tại thị trường trong hàng chục năm qua?  

Nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn

Khó khăn nhất trong quy trình tái chế đó là khâu phân loại, đặc biệt đối với nhựa. Theo chuyên gia nhận định, mỗi loại nhựa lại có hàng trăm sản phẩm khác nhau, cần các cách xử lý khác nhau. Với hàng chục loại nhựa và hàng nghìn mẫu khác nhau, công nghệ phân loại tiên tiến cũng gặp thách thức.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng trộn lẫn nhựa phế liệu với rác thải sinh hoạt và xử lý bằng cách chôn lấp đang diễn ra phổ biến tại Việt Nam. Và thực tế khảo sát tại một số địa phương, làng nghề tái chế cho thấy “rác thải được người dân phân loại hoàn toàn thủ công, chỉ với đồ bảo hộ là chiếc găng tay”. Đầu tư vào các giải pháp phân loại sẽ gỡ rối được “mớ bòng bong” trong việc tái chế rác, và giải pháp này cũng mở ra tiềm năng phát triển lớn trong ngành công nghiệp tái chế.

Biến rác thải nhựa thành nguyên liệu sử dụng trong các ngành công nghiệp khác

Nhựa tái chế không chỉ dừng lại ở các sản phẩm từ nhựa. Thậm chí gạch xây dựng cũng có thể làm ra được từ nhựa tái chế với độ bền cao. Trên thế giới, có thể kể đến loại gạch xây dựng đặc biệt được làm từ nhựa tái chế của Công ty Rhino Machines ở Ấn Độ. Công ty này đã sản xuất khối nhựa silicon (SPB) thay thế gạch xây dựng truyền thống. Gạch SPB được sản xuất từ 80% chất thải cát và bụi tái chế và 20% chất thải từ nhựa hỗn hợp. Loại gạch này bền vững hơn gấp 2,5 lần so với gạch đất sét thông thường và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn đến 80%.

Vì thế, cơ hội ở đây cho những doanh nghiệp trong ngành đó là hãy mở rộng các ý tưởng tái chế, giải pháp xử lý rác thải nhựa thành các sản phẩm phái sinh khác: gạch, bê tông từ nhựa thải phục vụ trong xây dựng, sản xuất nguyên liệu nhựa tái chế thay thế nguyên liệu nhựa nguyên sinh trong sản xuất sản phẩm, chi tiết nhựa, tạo nguyên liệu cho in 3D sản phẩm nội thất từ nhựa tái chế,…

Gạch SPB tái chế. Nguồn: https://kienviet.net/

Nâng cao hiệu suất tái chế

Một số doanh nghiệp nổi bật như Công ty Tái chế nhựa Bình Minh, Công ty TNHH Phát triển Tái chế Nhựa Hà Nội đã đầu tư vào nhà máy tái chế rác thải nhựa với công suất xử lý hàng chục nghìn tấn một năm và sản xuất 25.000 tấn sản phẩm nhựa tái chế, đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng cao, đồng thời tiết kiệm được hàng nghìn tấn nguyên liệu và giảm thiểu lượng rác thải nhựa phát sinh.  

Gia tăng giá trị thương mại của các sản phẩm tái chế

Các sản phẩm tái chế thường có giá trị thấp hơn so với sản phẩm nhựa mới, do đó việc tìm kiếm thị trường và khách hàng tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm tái chế là một vấn đề quan trọng. Một số ngành công nghiệp sử dụng rộng rãi sản phẩm nhựa tái chế bao như ống nước, đường ống dẫn khí, bao bì, chai lọ, vật liệu xây dựng và đồ nội thất. Đặc biệt, các sản phẩm tái chế nhựa đang được ưa chuộng hơn trong lĩnh vực bao bì vì tính thân thiện với môi trường và đem lại cảm giác tích cực cho người mua hàng khi sử dụng và tạo thêm động lực quan tâm đến môi trường. Ngoài ra, để nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm, các doanh nghiệp cũng cần tập trung vào chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm với sự đầu tư vào công nghệ và chất lượng nhân lực.  

Đảm bảo tính bền vững trong sản xuất sản phẩm tái chế.

Sản xuất sản phẩm tái chế không khó, nhưng bền vững hoạt động tái chế lại khó khăn hơn nhiều. Để đạt được điều đó, doanh nghiệp cần cải thiện các chỉ số liên quan đến tính bền vững, bao gồm tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái chế trong sản xuất, sử dụng năng lượng và tài nguyên bền vững trong quá trình sản xuất và quản lý chất thải. Ví dụ, công ty tái chế nhựa Vina-eco đã sử dụng nguyên liệu tái chế cho 60% sản phẩm, công ty tái chế nhựa Đại Dương đã áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001 trong quản lý chất thải,…

Cân nhắc kỹ các khía cạnh tài chính và thị trường trong thời kỳ kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp cần có các phương án tối ưu các dây chuyền sản xuất, bộ máy vận hành, và đánh giá đúng nhu cầu và sức tiêu dùng của thị trường để lập ra các kế hoạch phát triển sản phẩm và đầu tư công nghệ phù hợp.  

Tóm lại, với lượng rác thải nhựa ra biển đứng thứ 4 trên thế giới và mức độ ô nhiễm nhựa đứng thứ 17 trên toàn cầu, việc tập trung phát triển ngành tái chế nhựa tại Việt Nam không chỉ là một bước đi dài trong công tác bảo vệ môi trường mà còn đóng góp một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Mặc dù ngành công nghiệp tái chế đang gặp nhiều khó khăn, nhưng nó cũng mở ra cơ hội và các ý tưởng kinh doanh mới cho các doanh nghiệp, chẳng hạn như tăng cường hiệu quả thu gom rác thải nhựa, khuyến khích tái chế nhựa thành các sản phẩm phái sinh chất lượng cao để mang lại lợi nhuận. Việc thực thi các chính sách hỗ trợ hoạt động tái chế cần được đẩy mạnh hơn và cần sự đồng lòng tham gia của các doanh nghiệp.

Nguồn: Biến rác nhựa thành “Doanh thu”: Tái chế nhựa ở Việt Nam ra sao? - Plastics & Rubber Vietnam, Hanoi (plasticshanoi.com)

Hiện tại chưa có bài viết liên quan đến chủ đề này.